Đăng bởi locbaoluu - 06/04/2018
Tham khảo các dịch vụ thiết kế website, dịch vụ SEO, lập trình web-app, cắt HTML và lập trình di động
Video đang trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta. YouTube, Facebook… dù ở đâu ta cũng vẫn thấy được rất nhiều video. Tận dụng điều này, video marketing đang là xu hướng tiếp thị bùng phát mạnh mẽ và hiệu quả, góp phần lớn trong việc tăng doanh thu cho website bán hàng, các doanh nghiệp và thương hiệu.
Vậy video marketing là gì? Video marketing có hiệu quả như thế nào? Khi nào thì xu hướng này kết thúc? Tất cả câu hỏi sẽ được trả lời trong bài viết sau đây.
Nhắc đến video, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới YouTube. YouTube là mạng xã hội video lớn nhất thế giới với hơn 1 tỷ người dùng và hơn 1 tỷ giờ xem video mỗi ngày. Mỗi 60 giây, có tới tận 72 giờ video được đăng tải lên YouTube. Những con số này cho chúng ta thấy được nhu cầu xem video của thế giới là lớn đến nhường nào.
Ngoài YouTube, các mạng xã hội khác cũng đang là một chiếc ti-vi thay thế, thu hút hàng triệu lượt xem mỗi ngày. Trong số đó, phải kể đến Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
Theo thống kê, có tới 500 triệu người xem video trên Facebook mỗi ngày, khiến số lượt video trên nền tảng này cán mốc 8 tỷ vào cuối năm 2015, và vẫn đang tăng trưởng mạnh.
Vì tần suất xem video cao như vậy, đây chính là thời vàng son cho video marketing. Video marketing là hình thức quảng bá thương hiệu thông qua video. Nó đang trở thành công cụ chiến lược để các doanh nghiệp thu hút nhiều khách hàng và phổ biến tên tuổi của mình.
Video marketing trở thành xu hướng không phải chỉ vì có nhiều người xem video. Các thống kê, phân tích dữ liệu đã lý giải điều kiện giúp video marketing thành công rực rỡ.
Phần lớn người dùng YouTube đều ở độ tuổi từ 18-34, còn Facebook là 18-29. Các cá nhân ở độ tuổi này thường hội tụ đủ yếu tố để trở thành một khách hàng lý tưởng: tiền, nhu cầu, sở thích mua sắm và yêu xu hướng. Họ là những người chịu chi nhất, là những đối tượng vô cùng tiềm năng cho các nhà tiếp thị.
Trên Facebook, có 2.1 tỷ người dùng đang hoạt động mỗi tháng, cùng với đó là 400 người đăng ký mới mỗi phút. Đây là một nền tảng khách hàng tiềm năng cực lớn. Nhờ vào công cụ tiếp cận của Facebook, video của các thương hiệu đã tăng hơn 258% vào giữa năm 2017.
Trên cả hai nền tảng Facebook và YouTube, 45% người dùng xem nhiều hơn một giờ video mỗi tuần. Ngoài ra, hơn phân nửa lượng người xem video là thông qua các thiết bị di động, và 92% trong số đó sẽ chia sẻ video với bạn bè và người thân.
Tất cả những số liệu trên đều chỉ ra một điều: video đang là xu hướng tất yếu và video marketing là cốt lõi cho thành công của một nhà tiếp thị, một thương hiệu, hay một website bán hàng bất kỳ.
Những con số đã nói lên tầm quan trọng của video marketing, nhưng tại sao nó lại có thể giúp tăng doanh thu cho website bán hàng? Bởi video có những tác dụng đặc biệt, hơn hẳn các loại nội dung khác trong marketing.
Đây là công dụng dễ nhận thấy nhất của video. Một đoạn video bất kỳ có thể chứa hình ảnh, chuyển động, âm thanh lẫn các hiệu ứng bắt mắt. Chúng có giá trị thu hút sự quan tâm, chú ý của người dùng một cách mạnh mẽ.
Hầu hết ai cũng sẽ thích xem một đoạn video có chuyển động hơn là lướt qua các hình ảnh tĩnh nhàm chán, đọc các dòng thông tin nhạt nhẽo về sản phẩm.
Hơn nữa, đặc thù của video giúp đa dạng hóa cách kể chuyện của bạn, dễ dàng thu hút người xem. Bạn có thể trình chiếu một video chứa những hình ảnh và chuyển động, hoặc quay/tạo hẳn một bộ phim để truyền tải nội dung. Bạn có thể vận dụng âm nhạc, nhịp điệu để khiến video thú vị hơn, hấp dẫn hơn.
Tóm lại, video ảnh hưởng đến con người về cả tâm lý lẫn sinh học. Video tác động đến não bộ con người, khiến khó ai cưỡng lại sức hấp dẫn của nó. Nhiều khách hàng sẽ nán lại trang web của bạn để xem video nếu nó thực sự thu hút. Điều này cũng đồng nghĩa cơ hội bán được hàng của bạn cũng tăng theo. Hiện nay các dịch vụ thiết kế website đều có thể tích hợp công cụ đăng tải video một cách đơn giản cho khách hàng.
Để trở thành duy trì lợi nhuận và thành công, ai cũng hiểu rằng cần phải đạt được một thứ: niềm tin của khách hàng. Nhưng thời đại thương mại điện tử, mọi giao dịch đều từ xa và trực tuyến, không được chạm vào vật thật khiến niềm tin của khách hàng mong manh hơn bao giờ hết.
Video là công cụ hoàn hảo nhất để khôi phục niềm tin của khách hàng mua sắm qua mạng.
Video cung cấp cái nhìn toàn diện và chân thật nhất về sản phẩm. Bạn có thể cho khách hàng coi mọi ngóc ngách, mọi “đường may kẻ chỉ” của sản phẩm. Bạn có thể quay lại tác động thực sự vào sản phẩm, cảnh bạn hoặc người mẫu dùng thử sản phẩm để khiến khách hàng tin tưởng hơn.
Tất nhiên khách hàng vẫn không thể sờ vào “hiện vật”, nhưng nếu được nhìn ở một mức độ rõ ràng nhất định thì cũng có thể phần nào xác định được chất lượng của sản phẩm.
Dù mua hàng trực tiếp hay online đều có những rủi ro nhất định, video cũng không thể bảo đảm 100% cho khách hàng. Tuy nhiên, nó vẫn làm giảm tỉ lệ mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng đi rất nhiều.
Ngoài ra, đối với các mặt hàng thời trang, video còn giúp người dùng phỏng đoán được hiệu quả khi bản thân sử dụng sản phẩm. Tránh được việc mua sản phẩm không vừa vặn giúp khách hàng có trải nghiệm tốt hơn, họ sẽ tin tưởng mua hàng của bạn nhiều hơn.
Video chẳng những giúp đa dạng hóa cách gửi đi thông điệp của bạn mà nó còn giúp bạn truyền tải nhiều thông tin hơn.
Ngay trong video, bạn có thể kết hợp hình ảnh, âm thanh và phụ đề để tối ưu lượng thông tin muốn diễn đạt. Não người hoàn toàn có thể xử lý các luồng thông tin đó cùng một lúc, thậm chí sẽ giúp não hiểu được vấn đề nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Cùng một thời lượng bỏ ra, so với việc xem các bức ảnh về sản phẩm, khách hàng có thể nắm bắt được nhiều thông tin hơn khi xem video. Hiểu hơn về sản phẩm, khách hàng sẽ dễ dàng ra quyết định mua hàng của bạn nhanh hơn.
Với những lợi ích trên, bạn chắc hẳn mong muốn cải thiện khả năng video marketing cho website bán hàng hoặc thương hiệu của mình. Tuy nhiên, cũng như bao loại nội dung khác, video cần được sử dụng một cách hợp lý để không gây ra những phản ứng tiêu cực từ người xem.
Cái lợi của video là gói gọn rất nhiều thông tin, nhưng cái bất lợi là người dùng không dễ dàng điều chỉnh tốc độ theo ý mình. Nếu như đang duyệt qua loạt ảnh quảng cáo sản phẩm, bạn có thể thay đổi tốc độ nhanh chậm tùy theo nhu cầu và khả năng tiếp thu của bạn.
Nhưng thay đổi tốc độ video phiền phức hơn, nếu quá nhanh thì không theo kịp nội dung, nếu quá chậm thì thời lượng dài ra trong khi chuyển động bị trì trệ và âm thanh bị biến dạng. Còn nếu bạn bỏ qua (forward) một đoạn nào đó, bạn hoàn toàn có thể bỏ lỡ các nội dung cốt yếu của video.
Chưa kể còn có cả những video tệ, dẫn dắt lòng vòng, nội dung lan man, khiến người xem ngán ngẩm.
Vì những lý do trên, để đạt hiệu quả tốt bạn cần làm cho các video marketing của mình ngắn gọn nhất có thể. Tuy ngắn nhưng phải chứa đựng đủ các giá trị quan trọng của sản phẩm, những thứ mà người dùng muốn biết nhất. Nên nhanh chóng đi thẳng vào chủ đề, đặc điểm và thông điệp cần trao trong video.
Stock footage là những đoạn phim được quay hoặc dựng sẵn mà bạn có thể chèn vào đầu, giữa hoặc cuối video của mình. Lợi ích của nó là giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí khi thực hiện cảnh quay cũng như tự dựng video cho riêng mình. Một website bán hàng nhỏ, thiếu điều kiện về kinh tế và kiến thức vẫn có thể làm được một video hấp dẫn để quảng bá.
Hầu hết các stock footage đều do các đạo diễn, nhà làm phim chuyên nghiệp làm ra với công nghệ tiên tiến. Vì thế, nếu sử dụng đúng chủ đề và mục đích, video của bạn sẽ trở nên rất chuyên nghiệp.
Ngoài ra, còn có những stock footage có chủ đề kêu gọi tương tác (call to action) khuyến khích người xem tương tác, chia sẻ video của bạn, tăng hiệu quả cho video marketing. Hiện trên Internet, có rất nhiều website cung cấp stock footage miễn phí và chuyên nghiệp.
Xem thêm: Stock footage là gì? 8 website tải stock footage miễn phí bản quyền
Có một con số thống kê chí mạng tới cách vận hành video marketing hiện nay: 85% người xem video không có tiếng trên Facebook!
Hầu hết mọi người tắt tiếng đi khi xem video trên Facebook. Mặc dù điều này phủ nhận một yếu tố hay của video – âm thanh – nhưng lại rất phù hợp đối với tâm lý của người tiêu dùng: cảm thấy bị làm phiền. Họ không muốn bị can thiệp, làm gián đoạn các hoạt động trên Facebook bởi âm thanh của quảng cáo, và sẽ có ác cảm với những thương hiệu sử dụng video có tiếng.
Vậy đâu là giải pháp?
Liên quan đến vấn đề này, Facebook cũng đưa ra một số liệu rất quan trọng: chèn thêm phụ đề vào video giúp tăng thời lượng xem video lên 12%.
Như vậy, thay vì sử dụng âm thanh phân tán sự tập trung của người dùng, hãy thêm phụ đề vào trong video marketing trên Facebook, thậm chí là các mạng xã hội khác như YouTube, Google+… Điều này giúp người dùng có thể hiểu được nội dung của video mà không cần bật tiếng, giúp họ cảm thấy thoải mái hơn, cũng như sẽ hứng thú với video và thương hiệu hơn.
Video cũng có chia thành nhiều hình thức nhỏ khác, trong số đó, livestream đang rất được yêu mến.
20% tổng số video trên Facebook là livestream.
Livestream là trải nghiệm thời gian thực. Các livestream video cho cảm giác rất thực, thực nhất so với các hình thức khác. Hơn nữa, việc có thể nhìn thấy những gì xảy ra ngay tại nơi chốn và địa điểm quay giúp người xem tin rằng những gì xả ra trong video là có thật.
Đây là một lợi ích tuyệt vời cho các website bán hàng, là công cụ đắc lực để chiếm lấy lòng tin của khách hàng.
Vì vậy, hãy kết hợp cả livestream để có thể tăng hiệu quả cho video marketing, cũng như tăng doanh thu cho website bán hàng của bạn.
Video marketing chưa bao giờ hiệu quả như lúc này, khi hàng triệu người xem video cũng như hàng tỷ giờ video được xem mỗi ngày. Khi video trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, thì video marketing là một công việc không nên bỏ qua nhằm tăng doanh thu cho website bán hàng.
(Các số liệu trong bài được lấy từ YouTube, WordStream, Mediakix, Sprout Social)