Đăng bởi locbaoluu - 12/03/2018
Tham khảo các dịch vụ thiết kế website, dịch vụ SEO, lập trình web-app, cắt HTML và lập trình di động
Trong khi lướt web, bạn tìm được một nội dung rất hấp dẫn nhưng vì lý do nào đó, bạn chưa thể xem ngay được. Lúc này bạn sẽ cần đến phần mềm read later.
Phần mềm read later là sự thay thế vượt trội cho dấu trang (bookmark) thông thường, bởi được thiết kế để xem nội dung tốt hơn và khả năng xem ngay cả khi ngoại tuyến (offline). Với bookmark, bạn phải truy cập lại trang cần xem. Còn với phần mềm read later, bạn có thể xem ngay nội dung đã lưu mà không cần đi đến trang web nguồn.
Phần mềm read later là phần mềm giúp bạn tinh giản nội dung web hết mức có thể để tối ưu cho việc thưởng thức nội dung – bất kể là bài viết, hình ảnh, video… Bạn sẽ được đảm bảo không bị phân tâm bởi quảng cáo, thiết kế trang, hay những nội dung được đề xuất khác. Các nội dung này sẽ được lưu vào cùng một chỗ, thuận tiện cho bạn xem lại sau vào bất cứ lúc nào.
Giả sử, bạn đang thiết kế website. Trong lúc tìm kiếm ý tưởng cho UI thì bạn phát hiện một bài rất hấp dẫn về UX. Thiết kế UX hay UI đều quan trọng như nhau nhưng thông tin về UX đó lại không cần thiết ngay lúc này, vì bạn đang cần tập trung vào UI. Do vậy, bạn có thể lưu vào phần mềm read later để đọc lại khi cần.
Sử dụng các phần mềm read later giúp bạn giữ được tiến độ công việc, không bị ngắt quãng, phân tâm bởi vô số tin tức trong ngày. Hơn nữa, bạn có thể lưu trữ các dữ liệu khác cần thiết cho công việc, chuyên môn của mình như: ảnh biểu đồ, tài liệu, báo cáo,.v.v…
Các tính năng của phần mềm read later hoàn toàn phù hợp cho việc nghiên cứu và học tập: lưu nội dung, truy cập nhanh, ghi chú và đánh dấu, ghi lại nguồn của tài liệu…
Một số phần mềm còn cho phép gom nhóm bài viết theo chủ đề và chia sẻ với người khác, giúp người dùng có thể hợp tác nghiên cứu, trao đổi và học tập.
Tính năng quan trọng nhất của một phần mềm read later chính là tối ưu cho việc đọc. Khi đọc trực tiếp trên web, bạn dễ mất tập trung bởi nhiều yếu tố (có thể) phân tâm như: giao diện rối mắt, font chữ khó nhìn, nền quá tối hoặc quá sáng, và quảng cáo.
Việc đọc trên các phần mềm read later thì không như vậy. Bạn sẽ được xem nội dung web dưới dạng thức đơn giản nhất: không quảng cáo, không đề xuất bài viết liên quan; kiểu chữ, kích thước chữ và màu nền đều có thể tùy chỉnh theo ý thích, phù hợp nhu cầu đọc của cá nhân mỗi người.
Có rất nhiều phần mềm read later trên thị trường. Chúng phân hóa theo nhiều nhóm khác nhau với những công dụng nhất định.
Bài viết sẽ chia nhỏ các nhóm thành 3 phần: nhóm thuần read later, nhóm bookmark hỗ trợ read later và nhóm phần mềm ghi chú có thể tận dụng để read later.
Những phần mềm được giới thiệu đều có 4 tiêu chí quan trọng sau:
Nhóm này bao gồm các phần mềm được thiết kế cho mục đích ban đầu là read later, tức là để trích xuất nội dung web để dành xem sau. Một vài phần mềm hỗ trợ thêm các tính năng hữu ích như: tô sáng (highlight), chia sẻ lên mạng xã hội, ghi chú…
Đây là phần mềm read later phổ biến, được phát hành vào năm 2007 và hiện đang có hơn 10 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng. Pocket là phần mềm hỗ trợ nhiều nền tảng nhất hiện nay.
Với Pocket, bạn có thể phân loại bằng cách gán thẻ (tag) hay đánh dấu sao vào những bài ưa thích. Bạn cũng có thể chia sẻ nội dung với bạn bè và người theo dõi qua mạng xã hội tin tức của phần mềm này.
Gần đây, Pocket đã cho phép người dùng highlight những đoạn văn ưa thích nhưng mới chỉ có trên nền tảng di động. Ngoài ra, Mozilla cũng đã mua lại Pocket vào quý 1 năm 2017, hứa hẹn sẽ mở mã nguồn, thu hút nhiều nhân lực phát triển giúp phần mềm này ngày càng mạnh mẽ.
Nền tảng hỗ trợ: Web, Mac, Windows, Android, iOS – nhiều phần mềm bên thứ ba.
Tiện ích mở rộng: Chrome, Firefox, Safari, Opera, Microsoft Edge, bookmarklet.
Đây là đối trọng của Pocket trong nhiều năm liền, và là phần mềm rất hiệu quả trong việc trích nội dung trang web tối ưu cho việc đọc.
Instapaper hiển thị nội dung đã lưu dưới dạng một bài báo, tạo cho người đọc cảm giác như đang đọc tin tức thực sự. Ngoài ra bạn có thể tùy chỉnh phông chữ, màu nền, highlight và ghi chú vào những đoạn yêu thích trong bài.
Nhiều người yêu thích Instapaper hơn Pocket ở chỗ thiết kế đơn giản hơn. Nếu phân vân giữa 2 phần mềm này thì bạn có thể lựa chọn theo tiêu chí về cách quản lý: Instpaper quản lý theo Thư mục (Folder), Pocket theo Thẻ (Tag). Mỗi nội dung có thể thuộc nhiều thẻ nhưng chỉ có thể thuộc một thư mục mà thôi.
Nền tảng hỗ trợ: Web, Android, iOS, Amazon Kindle.
Tiện ích mở rộng: Chrome, Firefox, bookmarklet.
Những phần mềm này chủ yếu là để bookmark, nhưng có hẳn tính năng trích xuất nội dung lưu về xem sau cho người dùng. Điểm thú vị ở phần mềm dạng này là độ đa dụng cao, bạn có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, tùy thuộc nhu cầu.
Cái tên đại diện cho mảng phần mềm này là Raindrop. Raindrop có thiết kế bắt mắt, rất hấp dẫn người dùng.
Với phần mềm này, bạn có thể xem những trang web đã bookmark dưới dạng bài viết tối giản (reading view) và tùy chỉnh giao diện đọc theo ý thích. Bạn cũng có thể thêm bài viết vào các bộ sưu tập khác nhau và gắn thẻ – được đề xuất một cách thông minh – để quản lý dữ liệu của mình.
Nền tảng hỗ trợ: Web, Mac, Android, iOS.
Tiện ích mở rộng: Chrome, Firefox, Safari, Opera
Giao diện của Basket cực giản tiện nhưng tính năng của nó thì lại mạnh mẽ không kém đàn anh Pocket.
Mỗi mục bạn lưu lại đều được phần loại theo Nhóm (Categories) và sau đó là Nhãn (Label). Nếu cần chi tiết hơn nữa, bạn có thể Ghi chú (Note) ý tưởng, nhắc nhở hay bất cứ thông tin liên quan đến mục đó. Mỗi khi bạn kết nối điện thoại với Internet, Basket sẽ tự động tải dữ liệu offline về để bạn có thể đọc nội dung đã lưu bất cứ lúc nào.
Nền tảng hỗ trợ: Web, Android.
Tiện ích mở rộng: Chrome, bookmarklet.
Trên thị trường có rất nhiều phần mềm ghi chú, nhưng những phần mềm này đặc biệt hỗ trợ công cụ lấy nội dung website (web clipper). Công cụ này có thể được sử dụng thay cho tính năng lưu nội dung web của các phần mềm read later.
Đa số phần mềm read later chỉ hỗ trợ ngoại tuyến trên điện thoại, bằng việc sử dụng phần mềm ghi chú bạn có thể xem ngoại tuyến ngay cả trên máy tính.
Evernote đã quá nổi tiếng với sự đa năng của mình. Công cụ Web Clipper của Evernote nhiều năm liền là trợ thủ đắc lực cho những người làm nghiên cứu, góp nhặt ý tưởng, học tập,.v.v…
Công cụ này có thể lấy được mọi dữ liệu từ trang web, từ một đoạn văn bản nho nhỏ, một hình ảnh, một video cho đến một bản sao chép hoàn chỉnh không thua gì phần mềm read later.
Khả năng quản lý là chi tiết nổi bật của phần mềm này. Bạn có thể quản lý nội dung hoàn hảo với Thẻ, Notebook (hoạt động như Thư mục) cũng như tính năng tìm kiếm thông minh và hiệu quả tốt nhất hiện nay.
Nền tảng hỗ trợ: Web, Windows, Mac, Android, iOS.
Tiện ích mở rộng: Chrome, Firefox, Opera, Microsoft Edge.
Là một trong những phần mềm ghi chú hàng đầu, Microsoft Onenote hỗ trợ rất tốt việc xem ngoại tuyến.
Phần mềm này lấy nội dung trang web khá hoàn thiện. Ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng OneNote như phần mềm read later là bạn có thể tự do ghi chú ở bất kỳ đâu trong bài: không chỉ trên các con chữ mà còn ở những khoảng trắng của trang. Nhờ vậy, việc đọc và ghi chú sẽ thuận tiện, nhanh chóng và tự nhiên hơn, cứ như đang đọc một tờ báo giấy thực sự.
Nền tảng hỗ trợ: Web, Windows, Mac, Android, iOS.
Tiện ích mở rộng: Chrome, Firefox, Microsoft Edge.
Xuất hiện như một phần mềm thay thế miễn phí cho Evernote, Zoho Notebook cũng hỗ trợ xem nội dung offline vô cùng mạnh mẽ.
Thông qua công cụ web clipper, bạn có thể lưu trữ bất kỳ nội dung nào. Ngoài ra, đối với những ai thường lưu các công thức nấu ăn trên mạng, Zoho Notebook là sự lựa chọn hoàn hảo nhất. Tính năng Smart Card của phần mềm này tự nhận diện đâu là công thức nấu ăn trên các trang nội dung tiếng Anh để đưa ra cách hiển thị thông minh giúp bạn dễ dàng quản lý.
Nền tảng hỗ trợ: Web, Windows (sẽ có), Mac, Android, iOS.
Tiện ích mở rộng: Chrome, Firefox
Phát triển dựa theo Evernote, Nimbus Note hỗ trợ lưu nội dung website để xem offline rất tốt. Tương tự như các phần mềm ghi chú đã kể trên, bạn có thể trích đoạn, hình, video hay cả bài để lưu vào phần mềm này.
Khả năng tìm kiếm tuy chưa bằng Evernote, nhưng cách quản lý của Nimbus Note có phần cụ thể hơn. Bạn có thể tạo nhiều Thư mục con cho Thư mục lớn, đi kèm với Thẻ để phân cấp cho nội dung của mình.
Nền tảng hỗ trợ: Web, Mac, Windows Desktop, Windows App, Android, iOS.
Tiện ích mở rộng: Chrome, Firefox, Opera.
Có thể thấy, mỗi một phần mềm lại có những điểm nổi bật riêng. Những phần mềm thuần read later thì hỗ trợ đọc rất tốt, nhóm bookmark thì đa năng và phần mềm ghi chú giúp quản lý hiệu quả. Bạn có thể thử để chọn ra phần mềm ưng ý nhất, phù hợp nhất với nhu cầu bản thân.