Đăng bởi locbaoluu - 28/04/2018
Tham khảo các dịch vụ thiết kế website, dịch vụ SEO, lập trình web-app, cắt HTML và lập trình di động
Thời điểm các sinh viên háo hức tốt nghiệp trường đại học cũng là lúc các nhà tuyển dụng tất bật với các ứng viên. Hàng trăm sinh viên ra trường cũng như nhiều người đang tìm việc khác phải tìm cách viết CV xin việc hay résumé ấn tượng. Thế nhưng, bạn có biết CV và résumé khác nhau? Hồ sơ nào sẽ hiệu quả hơn cho công việc của bạn?
Thực chất, CV xin việc và résumé không giống nhau nhưng vì nhiều lý do mà rất nhiều người nhầm lẫn hai thứ này là một.
Về cơ bản, CV được viết bằng tiếng Anh trong khi résumé được viết bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên ngày nay, không có quy định bắt buộc phải sử dụng một ngôn ngữ cụ thể nào cho 2 loại hồ sơ xin việc trên. Bạn chỉ cần dùng ngôn ngữ được yêu cầu từ nhà tuyển dụng, nếu là nhà tuyển dụng trong nước thì bạn có thể dùng tiếng mẹ đẻ của mình.
Ngôn ngữ viết có thể giống nhau nhưng CV xin việc và résumé lại khác nhau ở khác nhiều khía cạnh khác, về cả hình thức lẫn nội dung.
CV xin việc là một danh sách những thông tin liên quan đến công việc của bạn, còn résumé lại là bảng tóm tắt kinh nghiệm làm việc và thành tích trong quá khứ của bạn.
Một bản CV chuẩn thường bao hàm đầy đủ các thông tin như: lý lịch, bằng cấp, học vấn… Bạn cũng cần ghi lại quá trình công tác trong quá khứ: các công ty, dự án bạn đã tham gia, cũng như vai trò và nhiệm vụ trong mỗi dự án ấy. Đôi khi bạn cũng có thể ghi vào CV sở thích cá nhân để nhà tuyển dụng có thể đánh giá chính xác hơn về con người của bạn.
Ngược lại, nội dung một bản résumé chỉ tóm gọn các kỹ năng và thành tích nổi bật nhất của bạn. Đó là những phẩm chất nhà tuyển dụng cần, chứng tỏ bạn là người thích hợp nhất cho vị trí đang tuyển. Bạn không cần phải kể đầy đủ tên trường đã học, tên các dự án con đã tham gia, hoặc tiết lộ thêm về con người của mình. Mục tiêu của résumé đơn giản là trực tiếp gây ấn tượng để đạt được hiệu quả thuyết phục tốt nhất.
Không phải thông tin nào trong CV xin việc cũng liên quan mật thiết tới công việc đang tuyển dụng. Tuy nhiên, những thông tin bên lề đó lại có những giá trị khác. Năng lực là quan trọng, nhưng những tố chất như thái độ, tinh thần làm việc và khả năng làm việc nhóm… cũng rất cần thiết. Thông qua CV xin việc, các nhà tuyển dụng có thể hiểu thêm được con người bạn, nhìn thấy được khả năng thành công của bạn trong môi trường làm việc của họ.
CV có sẵn các mục cần ghi, đa phần trong số đó là bắt buộc. Từng mục của CV được mô tả rõ ràng, nhìn qua bạn sẽ biết phải ghi gì vào đó. Ví dụ quá trình học tập sẽ được thể hiện bằng bảng có các cột “khoảng thời gian” và “tên trường” rất rõ ràng và dễ hiểu. Ngoài ra, thứ tự các mục trong CV xin việc có thể được di dời tùy theo từng ngành nghề khác nhau, nhưng nội dung và cách viết thì không cần thay đổi.
Trong khi đó, résumé ưu tiên sự ấn tượng – vì thế không có một tiêu chuẩn rõ ràng có cách viết. Điều duy nhất bạn biết là phải nêu ra những kỹ năng, kinh nghiệm thực tế và thành tích đạt được. Còn viết thế nào, câu cú ra sao mới đạt hiệu quả thì là phải do bạn tự học hỏi, mày mò.
CV chỉ là bản ghi lược sử của bạn mà thôi, trong CV không có ý nào đề cập tới việc bạn muốn được tuyển dụng. Vì thế, bạn cần có thêm một công cụ để trực tiếp đối thoại với nhà tuyển dụng. Đó chính là thư xin việc, hay còn gọi là cover letter. Thư xin việc giúp bày tỏ nguyện vọng của bạn cũng như thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là sự lựa chọn thích hợp nhất.
Tuy nhiên, nếu sử dụng résumé bạn sẽ không cần đến thư xin việc. Bởi vì trong résumé, bạn cũng sẽ gửi nguyện vọng và mục tiêu làm việc trực tiếp đến các nhà tuyển dụng. Résumé vừa là một cover letter, vừa là một bảng tóm tắt những gì nhà tuyển dụng muốn biết nhất trong CV của bạn. Vì vậy, không nên gửi résumé kèm với một bức thư xin việc để tránh dư thừa.
Ở Việt Nam, hầu hết các nhà tuyển dụng đều yêu cầu CV xin việc chứ không phải là résumé. Nhưng cũng có một số nơi đòi hỏi résumé, hoặc thậm chí là cho bạn tự do chọn lựa giữa hai hình thức trên. Tuy nhiên, hãy suy xét thật kỹ trước khi ra quyết định cuối cùng vì nó có thể ảnh hưởng tới kết quả xin việc của bạn.
Résumé sẽ là công cụ phù hợp với những cá nhân có năng lực và thành tựu nổi bật trong quá khứ. Bởi điểm quan trọng nhất của résumé là sự ấn tượng. Bạn cần có một bề dày kinh nghiệm và các thành quả thật sự lớn mới có thể có hiệu quả được. Chưa kể, bạn cũng cần có kinh nghiệm viết résumé để biết viết như thế nào cho vừa thuyết phục vừa cầu thị, để nhà tuyển dụng không cảm thấy bạn là người ngạo mạn.
Trong khi đó, CV an toàn và phù hợp với tất cả mọi người. Bạn vẫn có thể làm cho CV thêm độc đáo, thêm thuyết phục bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng tựu chung, CV vẫn không ấn tượng bằng résumé .
Mặc dù trên thị trường có rất nhiều mẫu CV xin việc đủ mọi lĩnh vực ngành nghề, nhưng lại không có một cách viết CV xin việc hoàn hảo nhất. Bạn chỉ nên dùng những CV mẫu trên để tham khảo thôi, còn lại phải tự mình viết để tạo sự khác biệt và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Ngoài ra, bạn cần đảm bảo CV của mình hội tụ đủ các yếu tố sau đây.
Như đã nói, bạn có thể thay đổi thứ tự nội dung của một CV xin việc cho phù hợp với ngành nghề và vị trí ứng tuyển. Bạn cũng có thể thêm bớt những chi tiết quá riêng tư, không phù hợp với bối cảnh tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn không thể bỏ qua các mục sau đây trong lúc viết CV:
Đây thực sự là những mục tối quan trọng, cung cấp các thông tin cả cơ bản lẫn chuyên môn của bạn. Trong đó, quan trọng nhất là mục quá trình làm việc.
Quá trình làm việc không chỉ là thông tin về công ty và vị trí của bạn từng đảm nhận, mà còn có thể cho biết năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn của bạn. Theo thống kê, có tới 45% nhà tuyển dụng quan tâm đến kinh nghiệm làm việc trong môi trường liên quan của một ứng viên trước tiên. Vì vậy, bạn không được bỏ qua những thông tin cực kỳ quan trọng này trong CV xin việc.
Để lấy được lòng tin của các nhà tuyển dụng, bạn phải viết các thông tin thật rõ ràng và có độ tin cậy cao.
Ví dụ: Phải ghi rõ các khoảng thời gian trong mục “trình độ học vấn” và “quá trình làm việc”; ghi rõ vai trò và nhiệm vụ trong các công ty từng làm, thậm chí có thể ghi cả tiền lương; ghi rõ tên và ngày cấp của các chứng chỉ… Thông tin được tiết lộ rõ ràng như vậy sẽ có sức thuyết phục cao nhất, khiến nhà tuyển dụng tin tưởng bạn hơn. Nếu họ không hiểu hoặc đòi bạn cung cấp bằng chứng bên ngoài cho những nội dung đó thì coi như bạn đã mất điểm trong mắt họ rồi.
Sai chính tả là điều không nên xảy ra trong CV xin việc. Lỗi chính tả là một lỗi cơ học, có thể dễ dàng được sửa bằng cách kiểm tra kỹ CV trước khi nộp. Bạn có thể dùng các công cụ kiểm tra chính tả trên máy tính rồi chính mình dò xét để bảo đảm không còn một lỗi nào sót lại. Vì vậy, sẽ không có lý do nhân nhượng cho những sai sót cơ bản như thế. Nếu vẫn sai chính tả chứng tỏ bạn không quan tâm đủ đến CV cũng như nhà tuyển dụng và cơ hội xin việc ở vị trí mới.
Ngoài ra, cũng cần để tâm đến văn phong của bạn trong CV xin việc. Điều này còn phụ thuộc vào lĩnh vực, quy mô và phong cách của công ty tuyển dụng. Nếu là cơ quan nhà nước, tốt nhất hãy sử dụng các viết trang trọng và lịch sự. Còn những công ty khác thì tùy vào sự hiểu biết và tài ăn nói của bạn mà thôi.
Hiện nay, có nhiều công cụ tạo CV online cung cấp những mẫu thiết kế hiện đại, bắt mắt, có thể gây ấn tượng tới nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, tâm lý một số người còn khá e dè với những thiết kế sáng tạo đó.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy có tới 25% các nhà tuyển dụng thích các bản CV xin việc đẹp và hiện đại. Các nhà tuyển dụng thường phải xét duyệt rất nhiều đơn xin việc khác nhau, vì thế những bản CV trắng đen giống hệt nhau khiến họ phát ngấy. Các mẫu CV hiện đại có thiết kế sáng tạo hơn, nhiều màu sắc sống động hơn, thú vị hơn hẳn thể loại truyền thống. Trong một chồng CV xin việc, nếu bản của bạn nổi bật hơn thì sẽ gây được sự chú ý, chiếm được cảm tình của nhà tuyển dụng hơn. Từ đó có thể gia tăng tỉ lệ xin việc thành công của bạn.
Như đã nói, CV xin việc phải bao gồm các mục thông tin liên quan đến nghề nghiệp chuyên môn, cụ thể là quá trình công tác của bạn. Quá trình làm việc tất nhiên phải theo thứ tự thời gian từ trước đến sau hoặc ngược lại. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng cần phải làm như vậy.
Có đến 3 cách viết CV khả dĩ, chính xác hơn là 3 cách sắp xếp thứ tự các mục của một CV xin việc.
Đây là cách viết CV xin việc truyền thống và thông dụng nhất. Bạn sẽ mở đầu bằng thông tin cá nhân rồi ngay sau đó là đến quá trình làm việc của bạn. Những thông tin khác như học vấn, chứng chỉ… được viết sau cùng. Bạn có thể xem ví dụ mẫu CV truyền thống ở Visual CV như: mẫu Onyx, mẫu Air.
Loại CV theo trình tự thời gian này sẽ trả lời trực tiếp cho mối quan tâm của những nhà tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng lúc nào cũng để tâm đến kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực có liên quan của đối tượng. Vì thế, bạn sẽ đưa ra các thông tin này ngay trên đầu bản CV xin việc của mình để gây ấn tượng tích cực nhất có thể đối với họ.
Bạn nên liệt kê quá trình làm việc theo thứ tự từ gần đến xa, tức là viết những việc vừa làm xong rồi mới tới những việc trước đó. Lý do là bởi những công việc, dự án gần nhất sẽ phản ánh năng lực của bạn ở thời điểm gần nhất. Đây cũng là điều các nhà tuyển dụng khá để tâm đến.
Tuy nhiên, các viết CV theo trình tự thời gian này sẽ không phù hợp trong một vài trường hợp.
Nếu bạn có một quãng nghỉ dài trong trong lúc làm việc hoặc bạn hay nhảy việc (vì một lý do nào đó) thì không nên sử dụng phương pháp này. Nếu không, trình bày quá trình làm việc sẽ bị gián đoạn làm CV trông không đẹp, thậm chí làm mất cảm tình của các nhà tuyển dụng.
Nếu quá trình làm việc của bạn không được “đẹp” bạn có thể không viết chúng ở đầu bản CV. Thay vào đó, hãy sử dụng cách viết CV chức năng, tức là ưu tiên phần kỹ năng, kinh nghiệm đạt được trong quá trình làm việc.
Nhà tuyển dụng đôi khi cũng không cần biết tường tận tên công ty, chức danh hay công việc của bạn trong quá khứ. Cái họ muốn biết là bạn đã đạt được những kinh nghiệm gì, rèn luyện được những kỹ năng gì cần thiết để hoàn thành công việc của họ. Vì vậy, hãy liệt kê năng lực của mình theo từng khía cạnh, cả chuyên môn lẫn các kỹ năng mềm để gây ấn tượng trực tiếp tới hội đồng tuyển dụng. Hãy nhắm tới những tiêu chí, bằng cấp hay chứng chỉ mà ngành nghề yêu cầu để cho nhà tuyển dụng biết bạn là người họ đang cần tìm.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng từ khóa, tức là các từ có tác động mạnh đến nhà tuyển dụng. Đó là những từ khẳng định bạn có thể đáp ứng nhu cầu của họ, có thể phù hợp với tiêu chí của công việc mới. Tất nhiên bạn cần nắm được nhà tuyển dụng muốn gì ở bạn thì mới có thể đưa ra chiến lược sử dụng từ khóa hợp lý.
Ví dụ: Khi ứng tuyển vị trí lập trình viên, nếu bạn biết sử dụng ngôn ngữ lập trình phổ biến hoặc ngôn ngữ khó thì sẽ dễ lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng hơn.
Như vậy, chỉ cần đọc qua phần tóm tắt và tổng hợp năng lực, kinh nghiệm là hội đồng tuyển dụng đã có thể xác định phần nào bạn có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không. Đây sẽ là lợi thế rất lớn để khỏa lấp quá trình làm việc bị ngắt quãng. Tất nhiên là bạn cũng không nên bỏ luôn mục đó, nhưng hãy chèn thêm nó ở cuối bản CV. Bạn cũng không cần viết một cách quá chi tiết, chúng chỉ đóng vai trò kiểm chứng cho những đúc kết của bạn ở phái trên mà thôi.
Khuyết điểm của cách viết CV này là nó quá trực diện và nhiều nhà tuyển dụng không thích điều này. Đôi khi họ có thể xem đây là một cách lấp liếm cho bảng quá trình làm việc không đẹp của bạn. Vì vậy, không nên sử dụng cách này khi không quá cần thiết.
Cả hai cách trên đều có ưu nhược điểm riêng, nếu như bạn muốn gom tất cả ưu điểm của chúng lại, bạn có thể viết CV kiểu kết hợp.
CV kết hợp đơn giản là tổng hợp 2 phương pháp ở trên lại: viết tóm tắt năng lực và kinh nghiệm làm việc trước, rồi sau đó là liệt kê quá trình công tác. Có thể nói đây là kiểu viết an toàn nhất mà vẫn gây đủ ấn tượng cho nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, nhược điểm là nó quá dài, bạn có thể sẽ mất hơn 3 trang A4 để ghi đầy đủ các phần. Đây có thể là một điểm trừ vì hội đồng tuyển dụng sẽ không có nhiều thời gian cho một bản CV xin việc dài như thế.
Như đã mô tả, résumé chứa ít nội dung hơn CV xin việc, nhưng chúng lại là những thông tin mà các nhà tuyển dụng muốn biết nhất. Có thể xem résumé giống như CV chức năng nhưng résumé thường không chứa các thông tin học vấn, đời tư hay chi tiết quá trình làm việc… Résumé chỉ bao gồm một lượng ít thông tin cá nhân và sau đó là những kỹ năng, phẩm chất nổi bật nhất của bạn. Vì vậy, bạn cũng cần lưu ý một số điều để viết một résumé đúng chuẩn.
Để tham khảo các mẫu résumé đẹp, bạn có thể vào trang Kickresume để xem qua các mẫu làm sẵn (template) của họ.
Ngoài ra, còn có nhiều kiểu phá cách khác giúp bạn xây dựng thương hiệu riêng, tạo sự thú vị và đặc sắc cho résumé hoặc cv xin việc của mình.
Ví dụ về một video résumé sáng tạo:
Như đã đề cập, tại Việt Nam, hầu hết các nhà tuyển dụng đều yêu cầu bạn cung cấp CV, hơn là résumé. Nhiều người cũng gọi chung chung hồ sơ xin việc là CV. Tuy có điểm khác biệt giữa CV xin việc và résumé nhưng tựu chung, cả 2 loại hồ sơ này đều để nêu bật các kỹ năng của bạn, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, tăng khả năng được nhận việc làm.
Hi vọng qua bài viết này của công ty thiết kế website Mona Media, bạn đã có thể phân biệt giữa CV và Résumé cũng như tham khảo được các cách viết CV xin việc hay để thu hút nhà tuyển dụng. Từ đó sáng tạo cho hồ sơ xin việc cá nhân, nắm bắt cơ hội xin việc thành công cho công việc mà mình mong muốn.